Quảng Trị – một địa danh đại diện đầy đủ cho sự ác liệt, chia cắt, bom đạn và những chiến dịch quân sự quy mô nhất trên một lãnh thổ. Hơn thế nữa, Quảng Trị là nơi đã khẳng định sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Thư viện trân trọng giới thiệu đến qúy thầy cùng các bạn học sinh cuốn sách “MỘT THỜI HOA LỬA” mong góp phần nào dựng lên chân dung của một thế hệ đã chiến đấu ở 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị.
Hình ảnh: Trang bìa cuốn sách “Một thời hoa lửa”
Sau những cuộc chiến tranh, là những hồi tưởng, những cuộc trở về, để tìm kiếm không chỉ những dấu vết quá khứ, mà còn cùng cảm thấy sự thay đổi kỳ diệu hòa bình đã đem lại. Quảng Trị nay đã là một địa danh hòa bình, những cây cầu đã nối hai bờ con sông giới tuyến, những nấm mộ liệt sĩ đã xanh cỏ, bom đạn đã được dọn sạch để cây trái mọc lên, những người lính năm xưa tóc đã ngả màu, mọi sự đã diễn ra theo quy luật đời thường. Những điều rất tự nhiên ấy đặt trong bối cảnh lịch sử đầy tương phản khiến người hôm nay phải kinh ngạc. Đã có một thời bom đạn tưởng chừng có thể chôn vùi cả một thành phố, một đất nước, một dân tộc và ở Quảng Trị này là những người lính tuổi đôi mươi; người này ngã xuống lại có người khác đứng lên. Họ chỉ là những người học trò, những sinh viên, những thanh niên vừa nhập ngũ với trang bị hạn chế. Điều gì đã khiến cho những con người trẻ trung ấy mỗi ngày chịu đựng hai vạn quả đạn pháo liên tục, cùng số bom đạn gấp 7 lần sức công phá của bom nguyên tử ném xuống Hiroshima của kẻ thù để trụ vững như thế? Những người ngã xuống chẳng hề biết đến một huyền thoại mà mình vừa tạo nên, lời gọi cuối cùng của họ có khi là tiếng “mẹ ơi” vang lên rồi tắt nghẹn trên mặt sông hay những dòng viết ứa máu dặn dò người vợ trẻ báo trước ngày hy sinh… Còn biết bao câu chuyện khác, bao nhiêu những con người khác nữa, có khi âm thầm lặng lẽ như vô vàn nấm mộ vô danh nơi đất lửa để cỏ lại mọc lên xanh tươi như chưa hề qua những thử thách nghiệt ngã đến thế
Đó chính là điều phi thường của MỘT THỜI HOA LỬA mà quyển sách này mong góp phần nào dựng lên chân dung của một thế hệ đã chiến đấu ở Quảng Trị 81 ngày đêm. Tự thân những hồi ức, những dòng nhật ký, những trang viết, những câu chuyện của đồng đội, của người thân về những người đã hy sinh, và của chính những người kể, là những chất liệu đầy xúc cảm. Hơn thế nữa, những điều này mang ý nghĩa sâu sắc khi có sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay, là điều mà MỘT THỜI HOA LỬA gửi gắm đến các bạn, nhất là những bạn học sinh sinh viên, để tuổi hai mươi còn đi tiếp và đi xa hơn nữa.
Hình ảnh: Hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ tỏa sáng trên sông Thạch Hãn (Nguồn zing.vn)
Xin kết thúc bài giới thiệu bằng một bài thơ về Đất lửa Quảng Trị của nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu chiến binh Lê Bá Dương sáng tác vào dịp 27/7/987, hiện được khắc vào bia đá ở bến thả hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn.
Đò lên Thạch Hãn ơi…..chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn.